Đại dịch Covid-19 đem đến “quãng nghỉ” cho thiên nhiên ở các điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với điều này.
Những bãi biển ngập tràn những người tắm nắng. Khu vịnh đông nghẹt thuyền bè và người lặn biển. Trên đường phố, người dân và khách du lịch tấp nập đi lại. Đó là khung cảnh ở hầu hết quốc gia Đông Nam Á bây giờ.

Sau 2 năm bị đại dịch Covid-19 tàn phá, ngành du lịch đã trở lại. Sự trở lại của du lịch giống chiếc phao cứu sinh cho nền kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng đi kèm những cái giá rất đắt.

Cần cho thiên nhiên nghỉ ngơi
Không thể phủ nhận đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch trị giá 393 tỷ USD của Đông Nam Á bị tê liệt. Nó khiến hàng triệu người mất việc làm và còn nhiều con số thiệt hại kinh khủng khác. Tuy nhiên, đại dịch đã cho thiên nhiên được nghỉ ngơi sau thời gian dài bị “vắt kiệt”.

Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Lữ hành Châu Á Thái Bình Dương, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ du lịch bền vững, cho biết: “Ngành công nghiệp này đã thay đổi. Có nhiều chính phủ muốn giảm thiểu tác động lên thiên nhiên của hoạt động du lịch. Dù vậy, khi đại dịch gần qua, họ lại coi những loại hình du lịch tổn hại hệ sinh thái là điều được phép”.

Theo Ortiguera, trên khắp Đông Nam Á, các nước đang thúc đẩy du lịch phục hồi bừa bãi – mặc cho nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về những tác động không thể chữa lành với môi trường. Trong khi đó, những người sống nhờ doanh thu từ khách du lịch đang muốn ngành này phục hồi “thần tốc”. Họ cần khách du lịch càng nhiều càng tốt.

Ai cũng nghĩ đến lợi ích kinh tế nhưng lại ngó lơ những điều tốt đẹp cho thiên nhiên trong đại dịch. Năm 2020, chỉ một tháng sau khi Thái Lan đóng cửa biên giới, một đàn cá nược – loài động vật biển có vú đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới – đã thản nhiên bơi lội ngoài khơi vùng biển phía nam.

Tại Phuket, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng, rùa luýt tới “chiếm lĩnh” bãi biển để làm tổ. Số lượng rùa khiến các nhà khoa học địa phương cũng phải sửng sốt.

Varawut Silpa-archa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan, nói với The Washington Post: “Nhìn theo cách nào đó, đại dịch là một cơ hội tuyệt vời. Nó cho thấy những điều tốt đẹp khi con người để thiên nhiên nghỉ ngơi”.

Rùa làm tổ trên bãi biển ở Phuket trong thời gian đại dịch.
Năm 2020, Thái Lan đóng cửa tất cả 155 công viên tự nhiên cho du khách. Khi các công viên được mở cửa trở lại vào tháng 7, Silpa-archa đã ra lệnh đóng cửa mọi công viên ít nhất một tháng mỗi năm. Ông cũng cấm đồ nhựa sử dụng một lần trong các công viên. Vị bộ trưởng nói thêm ông sẽ không ngần ngại đóng cửa một điểm đến trong thời gian dài nếu khách du lịch tiếp tục “tàn phá” thiên nhiên.

“Tôi không ngại sự phản đối của các doanh nghiệp. Nói thẳng là tôi chẳng quan tâm họ có đồng ý hay không. Công việc của tôi là bảo tồn thiên nhiên cho thế hệ tương lai của chúng ta”, ông chia sẻ.

Không phải ai cũng muốn thiên nhiên nghỉ ngơi
Dù vậy, không phải mọi nỗ lực để thiên nhiên nghỉ ngơi đều thành công. Vào tháng 6, chính quyền Indonesia vấp phải sự phản đối kịch liệt từ người dân địa phương khi đề xuất giới hạn khách tới tham quan ngôi đền cổ Borobodur ở Java. Họ đề xuất chỉ cho 15 người vào mỗi lần và giá vé cho khách nước ngoài tăng từ 25 USD lên 100 USD. Chi phí sẽ được dùng cho việc bảo tồn.

Khi chính phủ công bố kế hoạch tăng giá vé vào Công viên Quốc gia Komodo ở Đông Nusa Tenggara, hàng trăm nhân viên đã đình công. Kế hoạch bị phá sản và cả hai điểm này đều được giữ nguyên giá vé.

Steven Schipani, chuyên gia ngành du lịch tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, cho biết: “Có quá nhiều đầu tư chìm và đó là sự thách thức lớn”.

Số lượng khách du lịch đến Đông Nam Á hàng năm đã tăng gấp đôi từ năm 2010 đến năm 2019, đạt đỉnh ngay trước đại dịch là 137 triệu lượt. Sự tăng trưởng này dự kiến ​còn tiếp tục ít nhất đến năm 2030. Lý do là tầng lớp trung lưu trong khu vực đang có xu hướng gia tăng. Các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đã đầu tư lớn để chuẩn bị và thu lợi nhuận từ nhóm du khách này.

Không phải mọi nỗ lực “điều chỉnh” lại du lịch đều nhận được sự hưởng ứng.
Vào năm 2019, gần 40 triệu khách du lịch đã đến thăm Thái Lan. Nhiều người chọn điểm dừng chân là bờ biển phía nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra từ năm 2017 đến năm 2019, ít nhất hai điểm ở phía nam là bãi biển Patong và vịnh Maya đã bị “quá tải” khách du lịch. Điều này có nghĩa lượng du khách đã quá cao so với “sức chứa hợp lý” để không gây tổn hại tới thiên nhiên.

Somyot Sarapong là người làm việc cho một cơ quan du lịch sinh thái ở Bangkok, đã sống và làm việc trên quần đảo Phi Phi vào những năm 1990. Tới năm 2003, ông đã rời đi. Thời điểm này, những doanh nghiệp bên ngoài đảo đã bắt đầu xây dựng hàng loạt khách sạn trên bãi biển, thay thế các khu nghỉ dưỡng do địa phương quản lý.

Năm 2019, khi Sarapong trở lại đảo Phi Phi để thăm bạn bè, ông không nhận ra nơi mình đã từng nghĩ là thiên đường. Những con cá sặc sỡ, đẹp đẽ ở đảo gần như không còn có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, vào đầu năm nay, khi trở lại đảo lần nữa (trước khi Thái Lan mở lại biên giới cho du khách quốc tế), ông đã gặp bầy cá mập đầu đen. Đây là loài rất hiếm xuất hiện quanh đảo trước đại dịch.

“Nó cho tôi cảm giác về một Phi Phi những ngày đầu”, ông chia sẻ.

Giống nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, Thái Lan thiếu các loại quy định về quy hoạch, sử dụng đất và cấp phép khách sạn. Đây là những yếu tố giúp chính phủ quản lý hiệu quả tác động của du lịch.

Tuy nhiên Thon Thamrongnawasawat, nhà khoa học hàng hải tại Đại học Kasetsart (Bangkok), nghĩ ngành du lịch nước này vẫn có lý do để lạc quan.

“Khi bạn lái xe với tốc độ rất cao, rất khó để giảm tốc độ. Với Covid-19, nó như thể động cơ xe đang dừng lại. Bây giờ, chúng tôi đang bắt đầu lại. Ngành du lịch Thái Lan có thể đi cẩn thận, từ từ”, ông chia sẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *